Jdi na obsah Jdi na menu
 


Tàu thì Lạ, hèn hạ thì quen

 

Tàu thì Lạ, hèn hạ thì quen

22-02-2011 20:46
Tàu thì Lạ, hèn hạ thì quen
Nụ cười chói ngời hạnh phúc của người sĩ quan trẻ nay đã không còn nữa – Ảnh: L.Đ.D.

Mời các bạn đọc bài báo của Quân Đội Nhân Dân và Nhân Dân về sự hy sinh của một chiến sỹ Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn biên phòng A Mú Sung. Nhân dân Việt Nam đâu có nhục nhã đến mức này ...

Tờ báo Nhân Dân được ghi chú là “Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam”.

Tờ báo Quân Đội Nhân Dân thì là “Cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Tiếng nói của Lực lượng Vũ trang và Nhân dân Việt Nam”.

Với những bài báo như thế này dưới sự lãnh đạo của đảng và cầm đầu bởi Đinh Thế Huynh, đề nghị đổi lại như sau cho chính xác và ngắn gọn: “Tiếng nói của một lũ hèn”

Theo QĐND – Tối 16-2, trong lúc xuống địa bàn để nắm tình hình, Trung úy Trần Văn Duẩn, Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn biên phòng A Mú Sung (Bộ đội Biên phòng Lào Cai) nhận được nguồn tin từ nhân dân cho biết, có một thuyền máy lạ đang dùng kích điện đánh bắt cá trái phép trên sông Hồng thuộc địa phận biên giới Việt Nam. Ngay lập tức, Trung úy Trần Văn Duẩn đã phối hợp với dân quân địa phương triển khai vây bắt. Trong lúc đón bắt đối tượng, Trung úy Trần Văn Duẩn đã bị ngã xuống sông và gặp nạn do nước chảy mạnh. Sự việc xảy ra, đã được báo cáo về Đồn biên phòng A Mú Sung. Ngay lập tức cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã được huy động để tìm kiếm anh nhưng đã không thấy. Đến 11 giờ ngày 17-2, thi thể anh đã được tìm thấy trên sông, cách vị trí đồn khoảng 200m về phía thượng nguồn. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lương Văn Sơn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Lào Cai cho biết: “Thời điểm này, nước sông chảy xiết và rất lạnh nên khi gặp nạn đồng chí Duẩn không thể thoát hiểm”.

Trên báo NhanDan – Chiều nay 20-2, tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Lào Cai cho biết: Trung úy Trần Văn Duẩn, Đội trưởng đội vũ trang Đồn biên phòng A Mú Sung (Bát Xát- Lào Cai) đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên dòng sông Hồng, tối ngày 16-2-2011.

Đại úy Đinh Văn Lào, đồn phó chính trị Đồn biên phòng A Mú Sung, cho biết, đêm 16-2, khi nhận tin báo có một chiếc thuyền “lạ” xâm nhập trái phép đường phân thủy của biên giới, Trung úy Trần Văn Duẩn lập tức đến hiện trường. Anh đã kịp huy động lực lượng dân quân địa phương chia làm ba tốp để ngăn chặn sự xâm nhập này và cùng một dân quân chặn ở quãng giữa.

Trung úy Trần Văn Duẩn ( bên phải), trong một lần gặp phóng viên Đài PTTH Lào Cai

Theo Đại úy Đinh Văn Lào, những chiếc thuyền “lạ” kiểu này là những chiếc ghe sắt đánh bắt cá bằng xung điện, máy nổ khói đen mù mịt. Với bộ kích điện để tận diệt các loại thủy sản, những chiếc ghe này có thể lợi dụng đêm tối hay lúc vắng vẻ để tranh thủ lấn qua đường phân thủy, xâm phạm chủ quyền biên giới.

Khi chặn đuổi chiếc thuyền “lạ” ở quãng sông cách vị trí Đồn A Mú Sung chừng 500m thì Trung úy Duẩn bị ngã xuống sông. Sự việc xảy ra, đã được báo cáo về Đồn Biên phòng A Mú Sung, ngay lập tức cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã được huy động để tìm kiếm anh nhưng đã không thấy. Đến 11 giờ ngày 17-2, thi thể anh đã được tìm thấy trên sông cách vị trí đồn khoảng 200m về phía thượng nguồn.

Gia đình đã đưa thi thể trung úy Trần Văn Duẩn về quê tại Nam Định an táng. Được biết, trung úy Duẩn đã có một con trai nhỏ và vợ đang dạy học ở Trường tiểu học A Mú Sung, huyện biên giới bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Báo Tuổi Trẻ đã viết một phóng sự về người chiến sỹ biên phòng Trần Văn Duẩn với niềm trân quý về sự hy sinh của anh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của tổ quốc. Dù phải tuân hành chủ trương “tàu thì lạ hèn hạ là tao” của ban tuyên giáo, bài viết ít ra đã nói lên được sự trân trọng đối với một chiến sỹ QĐND.

Sông Hồng khóc gọi tên anh!

Trên TuoiTre – Chiều 18-2, chúng tôi – những người từng lên công tác tại đồn biên phòng A Mú Sung (huyện Bát Xát) hồi tháng trước – nhận tin nhắn từ anh em biên phòng Lào Cai: “Còn nhớ Trần Văn Duẩn không? Duẩn vừa hi sinh khi làm nhiệm vụ, hôm nay linh cữu đã đưa về quê nhà ở Nam Định”.


Trung úy Trần Văn Duẩn ở đồn biên phòng A Mú Sung (Lào Cai) ngày 17-11-2010. Nụ cười chói ngời hạnh phúc của người sĩ quan trẻ nay đã không còn nữa – Ảnh: L.Đ.D.

Chúng tôi lặng người bàng hoàng! Duẩn sinh năm 1982, như thế anh đã ngã xuống khi vừa bước vào tuổi 29. Trong ký ức chúng tôi còn in đậm hình ảnh chàng trung úy trẻ, đẹp trai và đầy năng lực.

 “Tổ ấm trong mơ” bên cột mốc biên cương

Có lẽ bạn đọc còn nhớ tấm hình về gia đình người lính biên phòng với nụ cười rạng rỡ của hai vợ chồng và đứa con trai vừa tròn 1 tuổi trong câu chuyện về Lũng Pô – A Mú Sung, miền đất của sương mù giá rét, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ở đó có nhiều người lính chọn làm quê hương thứ hai và quyết định ăn đời ở kiếp cùng biên ải (“Đất lành Lũng Pô” – Tuổi Trẻ ngày 21-11-2010).

Vợ chồng trung úy Trần Văn Duẩn và cô giáo Nguyễn Vân Chi cũng đã có một căn nhà nhỏ ở bản Lũng Pô, cạnh trạm kiểm soát gần mốc số 92 biên giới Việt – Trung, đúng vị trí ngã ba suối Lũng Pô đổ vào sông Hồng. Chúng tôi đã nhìn thấy một ngày mai tươi sáng của biên ải qua những căn nhà ấm sắc nắng mai giữa mía, chuối ngút xanh chốn đất lành. Nơi đây tình yêu của anh lính biên phòng quê biển Nam Định đã đơm hoa kết trái cùng cô giáo Nguyễn Vân Chi từ Yên Bái lên đây cắm bản và thành quả của họ là bé trai Bảo Nam kháu khỉnh. Chúng tôi còn nhớ mãi câu nói của Duẩn khi hỏi về tên con trai của anh: “Cái tên Bảo Nam có nghĩa là “bảo vệ nước Nam” hay “báu vật nước Nam?”, Duẩn cười: “Với gia đình là “báu vật” nhưng với đất nước thì “bảo vệ” nước Nam, anh ạ!”. Duẩn cũng là một người lính và anh ký thác sứ mệnh của mình trong cái tên đặt cho con, đứa con được sinh ra và chôn nhau cắt rốn ngay bên cột mốc biên ải.

Một tổ ấm lý tưởng nơi biên cương cho đến bây giờ nhìn tấm hình với ba nụ cười tỏa sáng ấy chúng tôi vẫn không dám tin Duẩn đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.


Cô giáo Chi và bé Bảo Nam – vợ và con của trung úy Trần Văn Duẩn – trong niềm đau vô hạn – Ảnh: Ngọc Quang

Sông đầu nguồn nức nở gọi anh…

Từ Hà Nội, chúng tôi về quê của trung úy Duẩn ở đội 1, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Nghĩa Thắng là xã miệt biển tận cùng của huyện, gần phía dòng sông Ninh Cơ đổ ra biển. Hình như mảnh làng chân sóng luôn sẵn sàng đón gió bão đã thấm vào trong tính cách của chàng sĩ quan trẻ những tố chất can đảm và thích mạo hiểm. Bây giờ nụ cười rạng rỡ của cả nhà hôm tiễn anh em chúng tôi tới tận cổng đồn A Mú Sung không còn nữa. Cô giáo Chi như vẫn chưa tin vào sự thật vừa diễn ra. Kể

chúng tôi nghe, Chi nói trong nước mắt: Tối 16-2, gần 21g, Chi thấy chồng mang quân phục, quân hàm chỉnh tề. Đã quen với những công việc như vậy của chồng vốn là đội trưởng trinh sát của đồn biên phòng nên Chi chỉ hỏi: “Anh đi khi nào về?”. Vừa đội chiếc mũ lên đầu, Duẩn vừa quay lại hôn bé Bảo Nam đang ngủ và nói: “Chừng một tiếng đồng hồ anh về”. Từ Lũng Pô về đồn chừng 7km. Chi nằm thao thức đợi chồng cho đến hơn 0g sáng vẫn không thấy Duẩn về. Biết công việc của lính biên phòng, anh lại là lính trinh sát nhưng Chi vẫn vô cùng nóng ruột. Gọi điện thoại không thấy chuông đổ. Nằm thao thức, ruột gan như lửa đốt, đến rạng sáng Chi thấy mấy người bạn giáo viên bên trường ghé nhà bảo Chi hãy bình tĩnh rồi nói đồn biên phòng báo lên là Duẩn bị mất tích khi đi tuần tra, động viên Chi hãy bình tĩnh.

Chi vẫn chưa biết rằng cho đến lúc ấy, đêm 16 rạng 17-2, người chồng thân yêu của cô đã nằm lại trên quãng sông Hồng biên giới.

Đại úy Đinh Văn Lào, đồn phó chính trị đồn biên phòng A Mú Sung, cho chúng tôi hay đêm ấy, khi nhận tin báo có một chiếc thuyền “lạ” xâm nhập trái phép đường phân thủy của biên giới, Duẩn lập tức đến hiện trường. Anh đã kịp huy động lực lượng dân quân địa phương chia làm ba tốp để ngăn chặn sự xâm nhập này và cùng một dân quân chặn ở quãng giữa. Chúng tôi từng trông thấy những chiếc thuyền “lạ” kiểu này trên đầu nguồn sông Hồng. Đó là những chiếc ghe sắt đánh bắt cá bằng xung điện, máy nổ khói đen mù mịt. Với bộ kích điện để tận diệt các loại thủy sản, những chiếc ghe này có thể lợi dụng đêm tối hay lúc vắng vẻ để tranh thủ lấn qua đường phân thủy, xâm phạm chủ quyền biên giới. Bộ kích điện trên những con thuyền này không chỉ tận diệt cá mà còn là một thứ vũ khí nguy hiểm khi sa cơ.

Và đêm 16-2 ấy, khi chặn đuổi chiếc thuyền “lạ” ở quãng sông cách vị trí đồn A Mú Sung chừng 500m thì Duẩn đã ngã xuống sông. Đêm tối, nước sông Hồng chảy xiết, những người đi cùng Duẩn vừa tìm cách cứu anh vừa báo cho đồn. Đơn vị huy động tất cả anh em cán bộ chiến sĩ tìm kiếm. Tiếng gọi “Duẩn ơi” vang trên biên cương, xé toang màn đêm sương mù dày đặc của A Mú Sung. Kiệt sức kiếm tìm cho đến sáng nhưng vẫn vô vọng. Đến 11g ngày 17-2 mới tìm thấy thi thể Duẩn ở quãng sông cách đồn chừng 200m về phía thượng nguồn.

Cùng lúc đó, sáng sớm 17-2, từ Nghĩa Thắng, ông Trần Ngọc Hiểu – bố của Duẩn – nhận tin báo vội vã đi taxi lên. Khi đến Lũng Pô, người con trai, niềm kỳ vọng duy nhất của gia đình, đã nằm lặng im trong khói nhang của nhà văn hóa thôn. Quanh anh là đồng đội và bà con dân bản. Đêm đó, thể theo nguyện vọng gia đình và dòng họ, thi hài Duẩn được đơn vị đưa từ Lũng Pô về quê nhà. Đoàn xe đi trong đêm từ 21g ngày 17-2 đến 9g ngày 18-2 thì về đến Nghĩa Thắng. Bà Lương Thị Hạnh, mẹ của Duẩn, đã ngất xỉu vì không chịu nổi sự mất mát quá lớn này.

Và như bao đồng đội giữ chủ quyền…

Trung úy Trần Văn Duẩn – “Bạn đồng hành quanh tôi”

Sáng 19-2, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã trao giấy chứng nhận “Bạn đồng hành quanh tôi” của ban biên tập báo Tuổi Trẻ truy tặng trung úy Trần Văn Duẩn đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, kèm giá trị giải thưởng là 7 triệu đồng cho đại diện gia đình, cô giáo Nguyễn Vân Chi.

Là một người lính từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở Phố Lu, Lào Cai, ông Hiểu khi biết con trai nộp đơn thi vào Học viện Biên phòng cũng ủng hộ con, dù biết theo truyền thống dòng tộc, Duẩn đang là đích tôn và sẽ là tộc trưởng của họ Trần ở quê nhà.

Năm 2001, 19 tuổi, Duẩn đậu vào học viện. Ra trường Duẩn về nhận công tác tại trạm Tùng Sáng, ngay đầu nguồn sông Hồng từ đó đến nay. Năm 2006, khi lên công tác tại đây, chúng tôi đã có những đêm trò chuyện cùng Duẩn, khi ấy anh đang yêu cô giáo Chi. Tháng 11-2010, khi trở lại A Mú Sung, chúng tôi thấy họ đã thành một tổ ấm. Niềm vui muốn sẻ chia cùng gia đình Duẩn chưa kịp nguôi thì giờ đây chúng tôi nghẹn ngào nghe bé Bảo Nam gọi bập bẹ tiếng “bố, bố” đầu đời. Cô giáo Chi kể hai tuần nay cậu con trai Bảo Nam bắt đầu tập nói, đi đâu Duẩn cũng gọi điện về cho vợ, bảo áp điện thoại lên để nghe tiếng con gọi. Nhưng bố của Bảo Nam, người sĩ quan biên phòng năng lực và tận tụy ấy, đã không còn nữa.

Tết vừa rồi Duẩn và Chi cùng con trai ăn tết với anh em trên đồn, không về quê. Hôm nhận những tờ báo Tuổi Trẻ có bài viết về mình mà anh em gửi tặng, Duẩn còn gọi điện về cảm ơn, hẹn ngày nào về phép thăm quê sẽ gặp anh em tại Hà Nội, vậy mà…

Theo chân Định, người em rể của Duẩn, chúng tôi ra mộ thắp nén nhang cho anh. Ngôi mộ nằm chìm giữa đồng nước mênh mông màu phù sa. Trong dòng nước đang tưới cho những cánh đồng châu thổ sông Hồng, chúng tôi tin có những hạt phù sa thấm máu những người lính biên phòng phía đầu nguồn sông theo con nước hòa vào về quê Duẩn để miền chân sóng này nhận những mùa màng phong nẫm.

Chúng tôi chợt nhớ tấm hình chụp bia tưởng niệm các chiến sĩ đồn A Mú Sung trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc hơn 30 năm trước. Trên tấm bia đó có khắc tên 30 người lính, hầu hết hi sinh ngày 17-2-1979, nhưng cuối tấm bia có tên năm người lính hi sinh vào ngày 17-2-1984. Và có ngẫu nhiên không, khi ngày Duẩn hi sinh cũng là một ngày như thế, đêm 16 rạng ngày 17-2-2011.

Rồi đây trên tấm bia ấy sẽ khắc thêm tên của người đội trưởng trinh sát biên phòng của đồn A Mú Sung – trung úy Trần Văn Duẩn.

Nguồn Danlambao